Phải làm gì khi pin của điện thoại Android yếu đi?

2019-08-05 01:07:23 -  602

Sau vài năm sử dụng, điện thoại Android thường gặp các vấn đề về pin, khiến máy không còn đủ khả năng hoạt động trong một ngày liên tục.

Điện thoại hiện nay được các nhà sản xuất thiết kế với pin có dung lượng lớn hơn kèm theo đó là nhiều công nghệ tiết kiệm điện. Nhưng thực tế, người dùng ngày càng sử dụng điện thoại nhiều hơn, điện thoại cũng không thể thay được pin nên sau một hoặc hai năm sử dụng, pin của điện thoại Android thường không còn đủ một ngày.

Lúc này người dùng có 2 lựa chọn, có thể là luôn mang theo pin dự phòng cho điện thoại hoặc một cách khác là thay pin cho chiếc điện thoại của mình.

Tuy nhiên, vẫn có những việc người dùng có thể tự làm trước khi đi mua cục sạc dự phòng hoặc thay pin cho máy.

Điều chỉnh chế độ tối ưu pin của điện thoại

Chế độ này còn có tên khác là Doze mode, đã xuất hiện từ Android 6.0. Chế độ này sẽ hoạt động ngay khi người dùng rút sạc ra khỏi điện thoại. Hệ điều hành sẽ kiểm tra từng ứng dụng. Một số ứng dụng khi người dùng không sử dụng sẽ không được quyền truy cập mạng, không được chạy ngầm. 

Nhưng vấn đề là đôi khi hệ điều hành lại nhận biết nhầm, cho phép một ứng dụng không cần thiết hoạt động và tắt ứng dụng cần thiết. Người dùng có thể điều chỉnh lại chế độ này bằng cách mở cài đặt của máy.

Vào phần Ứng dụng và thông báo, chọn Nâng cao, Quyền truy cập đặc biệt, Tối ưu hoá pin. Tới đây chỉ cần chọn ứng dụng nào muốn tối ưu, ứng dụng nào không cần thiết.

Bật chức năng thích ứng Pin và Màn hình

Đây là 2 điều chỉnh riêng biệt trong điện thoại Android. Màn hình thích ứng là máy sử dụng cảm biến để điều chỉnh độ sáng màn hình theo môi trường bên ngoài.

Chức năng còn lại là thích ứng pin. Máy sẽ học theo thói quen sử dụng điện thoại của người dùng để đặt mức giới hạn sử dụng pin của một số ứng dụng. Với những ứng dụng người dùng ít sử dụng, người dùng có thể sẽ nhận thông báo muộn hơn vì ứng dụng không được hoạt động để cập nhật thường xuyên.

Chức năng này nằm trong Cài đặt, Pin, và Pin thích ứng.

Tắt hoặc gỡ bỏ các ứng dụng không cần thiết

Quá nhiều ứng dụng trong máy cũng khiến cho điện thoại Android hết pin nhanh hơn. Điều này là có thật. Các ứng dụng sau khi đã cài và chạy ít nhất một lần đều có thể chạy ngầm. Những ứng dụng này sau đó dù không được sử dụng nhưng vẫn có khả năng nhận thông báo từ nhà cung cấp.

Mặc dù trình theo dõi pin của điện thoại thể hiện ứng dụng đó tốn chưa tới 1% pin nhưng nó vẫn có thể tốn nhiều hơn khi nhận nhiều thông báo. Do vậy gỡ bỏ sẽ vừa giải phóng dung lượng máy, vừa là một cách tiết kiệm pin.

Dùng máy ở chế độ tiết kiệm pin

Với tuỳ từng nhà sản xuất điện thoại, chế độ tiết kiệm pin sẽ hoạt động khác nhau một chút. Có nhà sản xuất chỉ tiết kiệm tới mức giảm độ sáng màn hình, tắt các ứng dụng chạy ngầm nhưng có nhà sản xuất còn tối giản đến mức để màn hình OLED chỉ còn 2 màu đen trắng và ngắt cả kết nối 4G. 

Điểm chung đều là tắt trợ lý ảo Google và tắt thêm nhiều chức năng của điện thoại. Do vậy người dùng nên bật chức năng này đặc biệt là khi điện thoại chỉ còn dưới 15% pin.

Một số cách sử dụng máy khác

Theo trang The Verge, điện thoại luôn tốn pin theo một cách nào đó, do vậy để tiết kiệm triệt để, người dùng có thể lần lượt kiểm tra theo các mục sau:

- Đảm bảo điện thoại luôn đóng tất cả các ứng dụng.

- Bật chế độ Không làm phiền để điện thoại không tốn pin cho việc hiển thị thông báo.

- Đặt màn hình tự tắt sau 30 giây.

- Để độ sáng màn hình ở mức nhìn được với độ sáng tối thiểu. 

- Tắt Bluetooth, dịch vụ định vị và nếu cần thiết thì cả Wi-Fi.

- Tắt đèn LED thông báo

- Tắt thông báo bằng rung và chuông của các ứng dụng

- Với màn hình Oled, người dùng nên chuyển sang giao diện nền tối. 

Theo BL