USB giá rẻ bèo, vì sao iPhone nâng cấp bộ nhớ lại tốn kém?

2019-01-29 07:06:25 -  565

Dung lượng bộ nhớ từng là một trong những vấn đề nhức nhối nhất với người dùng iPhone. Vậy bộ nhớ trong có đắt hay không mà nâng cấp iPhone dung lượng lớn hơn lại đắt như vậy?

Nếu từng sử dụng iPhone từ đời 6s trở về trước, rất có thể bạn đã từng gặp vấn đề hết dung lượng. Trước thế hệ iPhone 7, dung lượng bộ nhớ thấp nhất trên những chiếc iPhone vẫn là 16 GB, thực chất chỉ còn khoảng hơn 10 GB cho người dùng.

Nâng cấp bộ nhớ trong và RAM luôn luôn đắt đỏ

Dung lượng thấp khiến bộ nhớ rất nhanh chóng bị đầy, khiến người dùng phải xóa bớt ảnh hoặc ứng dụng. Một lựa chọn khác là bỏ thêm khoảng 100 USD để mua phiên bản có dung lượng cao hơn, 64 GB.

Hiện nay bộ nhớ 64 GB đã là mức dung lượng thấp nhất trên iPhone đời mới, và mỗi mức nâng cấp (256 và 512 GB) người dùng phải bỏ thêm lần lượt 150 USD và 200 USD. Vậy giá thật của một chip nhớ là bao nhiêu mà nâng cấp dung lượng iPhone lại đắt đỏ đến vậy?

USB gia re beo, vi sao iPhone nang cap bo nho lai ton kem? hinh anh 1
Để nâng cấp bộ nhớ trên iPhone XS Max, người dùng phải bỏ thêm 150 – 200 USD.

Theo Android Authority, đến tận bây giờ thì dung lượng RAM và bộ nhớ trong vẫn là tùy chọn tốn kém cho những người muốn nâng cấp. Cụ thể, nếu xét mức giá của Galaxy S10 vừa được tiết lộ thì sự chênh lệch giữa phiên bản RAM 6 GB, bộ nhớ 128 GB và bản RAM 12 GB, bộ nhớ 1 TB lên tới 625 USD.

Nói cách khác, bạn cần bỏ 625 USD để nâng cấp thêm 8 GB RAM và 896 GB bộ nhớ trong để có phiên bản cao cấp nhất.

Apple "ăn dày" hơn so với Samsung

Khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác mức giá của RAM và chip nhớ NAND là bao nhiêu. Không chỉ khác biệt về chủng loại, công nghệ, số lượng đặt hàng của nhà sản xuất lên tới hàng triệu đơn vị cũng khiến cho mức giá thay đổi so với mức bán lẻ.

USB gia re beo, vi sao iPhone nang cap bo nho lai ton kem? hinh anh 2
Đến tận năm 2016, Apple mới “khai tử” iPhone với bộ nhớ trong 16 GB. Ảnh: The Verge.

Tuy nhiên, ta có thể suy đoán dựa trên mức giá linh kiện của những thiết bị gần đây. Chẳng hạn trên chiếc Samsung Galaxy S9 Plus, trang TechInsights tổng hợp thông tin và dự tính mức giá của 6 GB RAM do Samsung sản xuất là 39 USD, còn bộ nhớ 64 GB từ Toshiba có giá chỉ 12 USD.

Nếu thực hiện phép tính đơn giản là nhân dung lượng với giá tiền, thì giá của bộ nhớ 512 GB vào khoảng 96 USD, còn 1 TB là 192 USD. Tương tự như vậy, giá của chip RAM 8 GB vào khoảng 52 USD, còn 12 GB khoảng 78 USD.

Trên iPhone XS Max, số liệu của IHS Markit cho thấy giá trị linh kiện của bộ nhớ trong 64 GB và RAM 4 GB cũng chỉ vào khoảng 40 USD, tương đương mức giá của Samsung.

Chi phí thực tế của nhà sản xuất có thể còn thấp hơn như vậy, bởi giá bán của bộ nhớ không tăng theo mức tuyến tính như phép tính trên. Ngoài ra, số lượng linh kiện nhà sản xuất đặt hàng là rất lớn, và giá bộ nhớ cũng trên đà giảm từ năm 2018.

USB gia re beo, vi sao iPhone nang cap bo nho lai ton kem? hinh anh 3
Mặc dù chi phí cho bộ nhớ rất thấp, những nhà sản xuất vẫn bắt người dùng trả thêm hàng trăm USD để nâng cấp bộ nhớ.

Như vậy, để nâng cấp từ phiên bản RAM 6 GB, bộ nhớ 128 GB trên Galaxy S10 lên bản 8 GB/512 GB, chi phí linh kiện tăng thêm khoảng 85 USD, nhưng giá bán chênh nhau tới 284 USD tức 2,3 lần. Tương tự, bản Galaxy S10 cao cấp nhất có linh kiện đắt hơn 122 USD, nhưng giá cao hơn 341 USD, tức 1,8 lần.

Với Apple thì mức chênh lệch còn cao hơn. Mỗi mức chênh lệch dung lượng, giá bán sẽ tăng 150 USD và 200 USD, tức là cao gấp hơn 4 lần so với chi phí thực tế.

Vì sao các hãng tính phí nâng cấp cao đến vậy?

Tất nhiên, chi phí linh kiện không phải là chi phí duy nhất của một nhà sản xuất smartphone. Bên cạnh chi phí linh kiện, nhà sản xuất còn phải đầu tư rất nhiều để nghiên cứu, marketing và những chi phí bán hàng.

Dù vậy, trong trường hợp bộ nhớ trong, chỉ có thể kết luận mức giá chênh lệch nhiều lần sẽ giúp cho hãng smartphone kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Trên cùng một thiết bị, phiên bản cao cấp chỉ có thể phân biệt bằng dung lượng RAM và bộ nhớ trong. Đây chính là cách khéo nhất để các hãng tăng giá bán sản phẩm và kiếm lợi nhuận.

“Bộ nhớ hiện nay quá rẻ, chi phí gần như không đáng kể, nhưng Apple vẫn tận dụng được chúng để kiếm nhiều tiền hơn. Việc bán một sản phẩm ở nhiều mức giá, trong đó phiên bản cao cấp có giá cao hơn hẳn là một phần chiến lược của Apple”, giám đốc của IHS Technology, ông Andrew Rassweiller từng giải thích vào năm 2015. Tới thời điểm này, đây vẫn là một lời giải thích hợp lý.

Theo Zing